Chúa chịu phép Rửa vì tội lỗi muôn dân. Suy niệm Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của muôn người mà Ngài đã mang vào thân.
 
Chúa chịu phép Rửa vì tội lỗi muôn dân
(Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa)

(Chuyện minh họa)
Khi trong nhà thờ có đông người đến xưng tội, giả như cha sở nói với mọi người rằng: “Ai mắc tội trọng thì ngồi ở phía bên phải của tôi, để xưng tội tại tòa bên phải; còn ai mắc tội nhẹ thì ngồi ở phía bên trái và xưng tội tại tòa bên trái.”
Thế là hầu hết mọi người hiện diện đều ngồi qua phía bên trái, là nơi dành riêng cho người mắc tội nhẹ, dù họ đã phạm tội trọng.
Tâm lý người đời là thế. Không ai muốn nhận mình là người có tội và chắc chắn là không ai muốn tỏ cho người khác mình đang mắc tội nặng. Xấu hổ lắm, mất mặt lắm!
Thế mà Chúa Giê-su lại khác.
Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, cùng đến bên bờ sông Gio-đan để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu phép rửa.
Xin hãy nhìn xem:
Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn cao sang vô lượng, quyền phép vô song, vua chúa trần gian chỉ như cát bụi trước mặt Ngài… đang hòa mình với loài thụ tạo mọn hèn thấp kém để chờ được thanh tẩy trong dòng sông Gio-đan;
Đấng tinh tuyền, thánh thiện và rất đỗi tốt lành… đang đứng chung với những người đê hèn, tội lỗi, những tên cướp của giết người, những cô gái điếm… để bày tỏ lòng ăn năn sám hối;
Con Người hoàn toàn vô tội và rất cao cả ấy đã khiêm tốn nài xin một người phàm như Gioan làm phép Rửa cho mình, trong khi Gioan tự nhận là không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài! (Ga 3, 13).
 
Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế?
Những người thu thuế, trộm cướp, tội lỗi đến xin Gioan tẩy giả làm phép rửa cho mình vì họ là những người có tội; còn Chúa Giê-su thì có tội gì mà phải chịu phép rửa?
Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của muôn người mà Ngài đã mang vào thân; cũng như Chúa Giê-su chịu khổ nạn quá đỗi đau thương và chịu chết thê thảm trên thập giá không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì để đền tội thay và chết thay cho muôn người.
 
Sự kiện Chúa Giê-su chấp nhận chịu phép Rửa nói lên tâm nguyện Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, chấp nhận mang tội lỗi của nhân loại vào thân, sẵn sàng hy sinh mạng sống để đền tội thay cho muôn người, nhờ đó, nhân loại được giao hòa với Chúa Cha và được sống đời đời trên nơi vinh hiển…
Điều này khiến Chúa Cha rất đỗi hài lòng. Thế là các tầng trời mở ra; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giê-su và Chúa Cha bày tỏ niềm hoan lạc của Ngài và long trọng tuyên bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài" (Mt 3,17).
 
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội bất phục tùng của A-đam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút lịch sử này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su mà cửa trời được mở ra, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Từ đây tương quan giữa Thiên Chúa  và con người được nối lại, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa là Nguồn Cội của mình.


Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh Chúa vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng con phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối.

Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng con, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng con thì xin cho chúng con cũng chấp nhận chịu đựng khó khăn gian khổ hằng ngày với Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin mừng Mát-thêu ( 3, 13-17)
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.14 Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! "15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.

16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."

 

Tác giả bài viết: Linh mục Inhaxiô Trần Ngà