Website Nguồn Vui xin chào tất cả các bạn!
Rss Feed

Danh mục chính

Nếu ta không chăm chỉ học tập và rèn luyện, thì dù được cấp dưỡng dồi dào, chúng ta cũng yếu kém về mọi mặt như “thằng Tay-trái” đáng thương kia.
- Đêm ấy, Thẩm Phán Suy-tư đang thiu thỉu ngủ thì chợt tỉnh dậy vì có cuộc tranh cãi giữa hai cánh tay. Tay nào cũng cho là mình quan trọng hơn, hữu ích hơn, đẹp hơn, đáng quý hơn.

Tay phải lên tiếng trước:

- Nầy tay trái, lâu nay mầy xem tao như thể ngang hàng là không được. Giữa hai chúng mình, tao là anh, mầy là em, mầy phải lễ phép gọi tao bằng anh, xưng em.

Tay trái đáp lại:

- Cả hai chúng ta đều bình đẳng với nhau. Mầy dựa vào đâu mà dám tự đặt mình làm anh kẻ khác?

- Mầy không nghe lúc nào người ta cũng gọi tao là tay phải và gọi mầy là tay trái đó sao? Tao là phải, phải có nghĩa là đúng, là chính đáng, còn mầy là trái, là trái nghịch. Như thế ai cũng cho rằng tao quan trọng hơn mầy.

- Sai rồi, mầy không thấy là khi đeo nhẫn, hầu hết đều đeo nhẫn vào tay trái chứ có mấy ai đeo nhẫn vào tay phải đâu. Điều đó chứng tỏ là tao quan trọng hơn mầy, xứng đáng được đeo nhẫn hơn mầy. Đúng là thiên hạ khôn ngoan biết chọn mặt gửi vàng. Hầu hết nhẫn vàng, nhẫn ngọc, nhẫn kim cương đều ký thác cho tao!

- Đừng ảo tưởng! Mầy là thứ yếu, tao mới quan trọng. Bộ mầy không thấy là khi chào cờ, ai cũng đưa tay phải lên chào. Đặc biệt là khi chào đón một vị khách quan trọng, những vị nguyên thủ quốc gia, đội quân danh dự đều đưa tay phải lên chào không? Có ai lại chào cờ, chào khách bằng tay trái đâu!

Thấy hai tay phải trái tranh luận ồn ào mà bất phân thắng bại, Thẩm Phán Suy-tư lên tiếng:

- Thôi, chúng mầy im đi để cho ta ngủ. Sáng mai, ta sẽ cho hai đứa tranh tài, ai giỏi, ai hay thì phải được thẩm định bằng tài năng của mình chứ đừng đánh võ mồm ồn ào vô ích.

Sáng hôm sau, Thẩm Phán Suy-tư đứng làm trọng tài cho cuộc tranh tài giữa hai đấu thủ Tay-mặt và Tay-trái.

Cuộc thi bắt đầu bằng môn thi viết. Đề tài là câu ca dao “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Đứa nào viết đẹp và nhanh thì thắng.

Trong một thoáng, tay phải hoàn thành bài viết của mình, trông vừa đẹp vừa rõ, trong khi tay trái cố gắng gò gẫm từng con chữ cách chập chạp, nét chữ nguệch ngoạc như giun bò, chẳng ai hiểu là nó viết cái gì.

Thẩm Phán Suy-tư gõ một tiếng chiêng kết thúc cuộc thi. Kết quả: 1- 0 nghiêng về phía tay phải.

Tiếp theo là thi cầm đũa ăn cơm. Một mâm cơm được dọn ra. Tay nào đưa thức ăn vào miệng nhanh gọn thì thắng.

Tay phải cầm đũa gọn gàng, gắp thức ăn chính xác, đưa cơm cá vào miệng nhanh gọn, trong khi tay trái cầm đũa lóng cóng, gắp thức ăn thật khó khăn, một nửa thức ăn trôi vào miệng thì một nửa rơi rớt ra ngoài.

Tiếng chiêng gióng lên kết thúc, Thẩm Phán Suy-tư công bố kết quả: 2-0 nghiêng về phía tay phải.

Cuộc thi cứ thế chuyển sang những bộ môn khác như thi đóng đinh vào gỗ, thi ném phi tiêu, ném tạ… và kết quả là 3-0, 4-0, rồi 5-0, rồi 6-0 … nghiêng về tay phải.

Cuối cùng, tay trái xấu hổ xin ngừng và chấp nhận mình thua to.

Bấy giờ Thẩm Phán Suy-tư lên tiếng:

- Ta không ngờ tay trái lại yếu kém đến thế. Cả hai tay đều thuộc về cùng một thân mình, có hình dáng như nhau, kích thước như nhau, cùng được nuôi dưỡng theo một chế độ như nhau, cùng được chăm sóc như nhau… Thế thì tại sao tay phải làm việc nào cũng hay và tay trái làm việc nào cũng dở?

Tay phải đáp:

- Dạ tại nó lười. Nó chẳng chịu làm gì. Việc gì nó cũng đẩy cho con: từ việc cầm bút viết, cầm đũa ăn cơm cho đến cầm cày, cầm bay, cầm cuốc… Nói chung là mọi việc, nó đều khoán cho con cả, nên quan thấy đấy: Nó gầy hơn con, yếu hơn con và nó sẽ còn mãi mãi thua kém con về mọi mặt, nếu nó không chịu siêng năng chăm chỉ làm việc như con.


Trần Ngà


Những bài cũ hơn