Thiên Chúa ở với người bất hạnh. Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm A

Vì yêu thương loài người quá đỗi nên Thiên Chúa muốn sống-với con người, muốn hiện-diện-bên-cạnh con người mọi lúc mọi nơi.
         
Thiên Chúa ở với người bất hạnh
(Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV mùa Vọng năm A)
 
Tin mừng Chúa nhật hôm nay đề cập đến tên gọi mà Thiên Chúa Cha đã chọn cho Ngôi Hai Thiên Chúa khi Ngài đầu thai trong lòng Mẹ Maria. Tên gọi nầy đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ hơn bảy trăm năm trước: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta"  (Mt 18,23).
Tên gọi nầy nói lên ước vọng của Thiên Chúa muốn ở mãi với loài người suốt mọi ngày cho đến tận cùng thời gian.
         
Liên quan đến ý tưởng nầy, Đức cha Gaillot có nhận định rất chí lý. Ngài viết:
“Sống rộng lượng là tốt, nhưng sống-với thì tốt hơn; công việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh thì cần thiết hơn.”
Đúng thế, dù chúng ta có rộng lượng với người nghèo khổ bao nhiêu cũng không bằng đến sống-với họ, chia sẻ buồn vui cay đắng với họ. Dù chúng ta có làm bao nhiêu việc từ thiện để giúp cho người đau khổ cũng không bằng đến hiện-diện-bên-cạnh họ trong những lúc đau thương.
 
Thiên Chúa mong muốn ở với loài người
Vì yêu thương loài người quá đỗi nên Thiên Chúa muốn sống-với con người, muốn hiện-diện-bên-cạnh con người mọi lúc mọi nơi. Danh hiệu Em-ma-mu-en gói trọn ước vọng này của Thiên Chúa.
Vì thế, Thiên Chúa Ngôi Hai đã hạ mình xuống thế mang kiếp người phàm, hiệp thông trọn vẹn với con người. Ngài vui với người vui, khóc với người khóc, sống khốn khổ với những người cùng khốn.
Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng ta chỉ đề cập đến hai khía cạnh của sự hiệp thông này: Hiệp thông với người nghèo và hiệp thông với người tội lỗi.
 
1. Chúa Giê-su sống nghèo với người nghèo

Khi thiên thần báo tin cho các người chăn chiên biết có Đấng Cứu Thế giáng sinh tại Bê-lem, thoạt đầu các mục đồng nghĩ rằng đấng ấy chắc phải là đấng siêu phàm, uy phong lẫm liệt… Thế nhưng, thật hết sức bất ngờ, Ngài ấy lại là một trẻ sơ sinh bé bỏng, yếu đuối, được bọc trong tã và đặt nằm trong máng ăn của súc vật, nơi chuồng bò hẻo lánh!
 


Người nghèo túng lắm cũng được sinh ra trên giường, trên chiếu, dưới một mái nhà; đằng nầy, Chúa Giê-su chấp nhận sinh ra trong chuồng súc vật giữa đồng vắng, được đặt nằm trong máng rơm!
Rồi khi lớn lên, Chúa Giê-su không liệt mình vào thành phần giàu có hay thượng lưu trong xã hội. Ngài không thuộc giai cấp tư tế của Đền thờ cho người ta bái phục, cũng chẳng là kinh sư, luật sĩ cho người ta trọng vọng nể vì, cũng không thuộc hàng biệt phái có nhiều thế giá trong dân… Ngài thuộc tầng lớp dân đen, làm nghề thợ mộc, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.
Khi đi rao giảng Tin mừng, Ngài chấp nhận sống nghèo thiếu, chẳng có của riêng nên phải nhờ vả người khác. (Một số phụ nữ đã lấy của cải giúp Ngài cũng như nhóm Mười hai môn đệ). “Con chồn  có hang, chim trời có tổ, nhưng Ngài không có chỗ dựa đầu.” (Mt 8,20).
 
2. Chúa Giê-su sát cánh với người tội lỗi
Với tư cách Em-ma-nu-en, là Thiên Chúa ở với loài người, Chúa Giê-su đặc biệt yêu thương, chăm sóc và sát cánh với người tội lỗi.
Ngài không ngại đến trọ nhà người tội lỗi như Da-kêu, chọn Lê-vi thu thuế làm môn đồ, sẵn lòng ngồi đồng bàn ăn uống với người tội lỗi, để cho người phụ nữ mang nhiều tai tiếng bày tỏ lòng yêu thương quý mến mình trong bữa ăn tại nhà người biệt phái…
Ngài thân thiện và  hòa mình với thành phần tội lỗi đến nỗi người ta gọi Ngài là người “mê ăn uống, bạn bè với quân thu thuế và người tội lỗi” (Lc 7,34).
Cuối cùng, Ngài hiệp thông trọn vẹn với người tội lỗi khi chịu bắt đi giữa đêm đen như một tên đạo tặc, bị xét xử như một gã gian phi và chịu hành hình đau thương tủi nhục trên thập giá như một tên tử tội gian ác nhất đời.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Nguyện vọng tha thiết của Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều đau lòng nhất của Ngài là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin mừng thứ tư: “Ngài ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Gioan 1, 10-11).
Xin cho chúng con vui lòng mở cửa tâm hồn đón nhận mọi người đang sống chung quanh chúng con, đặc biệt là những anh chị em nghèo túng, quẫn bách, những người lầm lạc, đau khổ… vì họ cũng là hiện thân của Chúa.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Tin mừng Mát-thêu (Mt 1, 18-25)
18 Chúa Ki-tô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.   19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."  22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."   24Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
 
 

Tác giả bài viết: Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà