Website Nguồn Vui xin chào tất cả các bạn!
Rss Feed

Danh mục chính

Cám dỗ trong cuộc đời. Suy niệm Chúa nhật I mùa Chay

Giã từ đường lối của Sa-ta để đi theo đường lối Thiên Chúa .
Cám dỗ trong cuộc đời 
(Suy niệm Tin mừng Luca (Lc  4, 1-13) trích đọc trong Chúa nhật I mùa Chay năm C)
 
Khi bàn về thân phận con người, triết gia Platon nhận định rằng: “Con người như một cỗ xe có hai ngựa kéo về hai chiều đối nghịch.” Có một thế lực cao cả lôi kéo người ta về hướng tốt và một quyền lực đen tối kéo người ta về hướng xấu; và như thế, bản thân con người bị giằng co, xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau!
Cảnh xung đột nội tâm nầy nhiều khi trở nên hết sức gay gắt và ác liệt đến độ thánh Phao-lô phải đau lòng than lên: “Điều lành tôi muốn, tôi không làm; trong khi điều dữ tôi gớm ghét, tôi lại làm… Vô phúc thay con người tôi!” (Rm 7, 19.24).
Các xung đột nội tâm hay các chước cám dỗ không buông tha bất cứ ai và sẽ bám riết con người cho đến chết.
Ngay cả Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Mặc dầu Ngài thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên "Ngài cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Do-thái 4,15).

 
 
Bài Tin mừng hôm nay đề cập đến không phải một mà là đến ba cơn cám dỗ của Chúa Giê-su.
Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3). Nếu Chúa Giê-su thực hiện điều nầy để cung cấp cho những ai tin theo Ngài được dư đầy cơm bánh mà chẳng phải lao nhọc vất vả kiếm ăn thì hy vọng cả thế giới đều thần phục Ngài. Nhưng Chúa Giê-su bác ngay phương án nầy vì đó không phải là đường lối cứu chuộc của Thiên Chúa Cha.
Cám dỗ thứ hai là trở thành vua của thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” (Lc 4, 5-7).  Cám dỗ nầy còn được lặp lại khi dân chúng muốn tôn Chúa Giê-su làm vua (Gioan 6,15). Giả sử Chúa Giê-su chấp nhận làm vua thì hy vọng Ngài sẽ sớm chinh phục muôn dân nước về cho Thiên Chúa Cha. Nhưng Chúa Giê-su lập tức từ chối vì cách đó không phải là đường lối cứu độ của Thiên Chúa Cha.
Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11). Chúa Giê-su từ khước phương án nầy, vì dùng phép lạ để lôi kéo người ta tin thờ Thiên Chúa cũng chẳng phải là kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
Ngoài ra, Thánh sử Lu-ca cũng tiên báo rằng: Sau ba cơn cám dỗ nói trên, Chúa Giê-su còn phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ khác trong đời. Thánh Lu-ca viết: "Ma quỷ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4, 13).
Lần khác, Sa-tan còn dùng miệng lưỡi của người môn đệ thân tín là Phê-rô để cám dỗ Chúa đừng lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn. Ngay lúc ấy, Chúa Giê-su quát lại: “Sa-tan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm” (Mt 16,23).
Ngay cả khi Chúa Giê-su hấp hối trên thập giá, Sa-tan cũng chưa chịu buông tha Ngài. Lần nầy Sa-tan dùng miệng lưỡi những kẻ qua lại để cám dỗ Ngài xuống khỏi thập giá: "Nếu Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin" (Mc 15, 32).
Thế là trong suốt cuộc đời dương thế, trong thân phận giòn mỏng của kiếp người, Chúa Giê-su đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ và Ngài đã chiến thắng rất vẻ vang. Không một cám dỗ, một thách thức nào có thể khiến Ngài lùi bước.
 
Xưa kia, Sa-tan tìm mọi cách cám dỗ Chúa Giê-su từ bỏ đường lối của Thiên Chúa Cha để đi theo đường lối ma quỷ, thì hôm nay, Sa-tan cũng luôn tìm mọi cách để lôi kéo chúng ta đi trệch ra khỏi đường Chúa như vậy.
Tàu chạy theo đúng đường rầy sẽ được an toàn vô sự, nhưng nếu tàu chạy trật đường rầy, nó sẽ lao vào chỗ chết và gây ra tang tóc đau thương. Vì thế, ma quỷ luôn tìm mọi cách lôi kéo chúng ta đi trệch ra ngoài đường lối của Thiên Chúa, để xô đẩy chúng ta vào cõi trầm luân.
Mỗi người chúng ta như người leo núi đang chênh vênh giữa lưng chừng sườn núi cao. Tiếng Chúa luôn kêu gọi chúng ta leo lên cao để chung hưởng hạnh phúc thiên đàng; trong khi đó, tiếng gọi của Sa-tan và sức nặng của tính xác thịt lôi kéo chúng ta xuống vực để phải trầm luân muôn đời.
Thắng được những cơn cám dỗ, thắng được bản năng hư hèn yếu đuối của mình thật khó biết bao! Danh tướng Napoléon là người từng chiến thắng vang dội ở Châu Âu cũng phải thú nhận rằng: "Chiến thắng cả Châu Âu không bằng chiến thắng chính bản thân mình."
 
Lạy Chúa Giê-su,
Xác thịt chúng con rất ươn hèn và yếu đuối trong khi sức mạnh của ma quỷ thật lớn lao. Xin Chúa thông ban Thánh Thần trợ lực, để chúng con không lùi bước, không thua trận, không chìm đắm trong tội lỗi nhưng được chiến thắng vẻ vang và chung hưởng vinh quang với Chúa muôn đời.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Tin mừng Lu-ca (Lc  4, 1-13)
1Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.   3Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !"  4Nhưng Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh."
5Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.   6Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.   7Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông."  8Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
9Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!   10Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.   11Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."   12Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại : "Đã có lời rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."
13Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
 
 

Tác giả bài viết: Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà
Từ khóa:

giã từ