Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và tránh được xung khắc, bất hoà vì bất đồng quan điểm.
Tôn trọng quan điểm người khác
(Suy niệm Tin mừng Luca (Lc 9, 51-62) trích đọc vào Chúa nhật 13 thường niên)
Người ta thường nói: “Chín người mười ý”, vì thế bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có trong xã hội loài người. Vậy mà vẫn có nhiều người không chấp nhận thực tế nầy: Họ bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện. Có người tự cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng đúng, quan điểm của mình lúc nào cũng phải; ai cùng quan điểm với ta thì ta hợp tác, ai khác quan điểm với ta thì ta xa lánh hoặc loại trừ. Ứng xử như thế là một sai lầm đáng tiếc.
Hai môn đệ Chúa Giê-su là Gioan và Gia-cô-bê cũng có lần vấp phạm vào lỗi lầm này. Tin mừng thánh Luca (Lc 9, 51-56) thuật lại sự việc xảy ra như sau:
Hôm ấy, các sứ giả của Chúa Giê-su đến thương lượng với dân chúng tại một thôn làng xứ Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Chúa Giê-su đi qua làng của họ tiến về Giê-ru-sa-lem, nhưng dân làng không chấp thuận.
Họ không chấp thuận vì quan điểm của họ là phải tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ri-dim mới xứng hợp và họ bài bác những người Do-thái có quan điểm trái nghịch, chủ trương tôn thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.
Thế là từ bất đồng quan điểm đưa đến chỗ bất hòa, từ bất hòa đưa đến xung đột. Hai tông đồ Gioan và Gia-cô-bê vô cùng tức tối trước hành động ngang ngược của dân làng này khi họ không thuận cho Chúa Giê-su đi qua làng. Hai anh em muốn hủy diệt dân làng ngay nên thưa với Chúa Giê-su: “Thưa thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
Chúa Giê-su lập tức phản đối thái độ quá khích này. Ngài quở mắng Gioan và Gia-cô-bê về thái độ bất bao dung đó, rồi Ngài dẫn các môn đệ đi tránh qua làng khác tiến về Giê-ru-sa-lem.
Đừng mang tật sờ voi
Khi xem xét một sự việc hay một đối tượng nào đó, chúng ta thường chỉ đứng ở một vị trí, một góc nhìn nào đó để xem xét, nên thường chỉ thấy được một mặt, một khía cạnh nào đó của sự việc mà thôi. Vì thế, nhận thức của chúng ta thường có tính cách phiến diện, một mặt, một chiều, không phản ánh đúng sự thật khách quan, như câu chuyện sau đây:
Xưa kia ở Ấn-độ có một ông vua đang lúc nhàn rỗi, bày ra trò tiêu khiển như sau:
Vua cho gọi năm anh mù từ lúc mới sinh đến sân rồng rồi truyền đem vào một con voi lớn. Năm anh mù nầy chưa hề biết voi là gì. Nhà vua ra lệnh cho họ đến sờ voi một lát rồi mô tả lại hình dáng con vật cho vua và triều thần nghe. Ai mô tả đúng sẽ được trọng thưởng.
Sau khi sờ voi xong, mỗi anh mù đưa ra một nhận xét khác nhau về con voi. Người sờ trúng chân voi thì cho rằng voi giống như cột đình. Người sờ vào bụng voi thì nói là voi giống như tảng đá lớn. Người sờ vào tai voi thì quả quyết như đinh đóng cột rằng voi giống như chiếc quạt lớn. Người sờ trúng vòi voi thì cho rằng voi không khác gì khúc rễ cây ngoằn ngoèo…
Ai cũng khăng khăng một mực rằng mình đúng, còn những người khác thì sai nên sinh ra cãi vã dữ dội. Thế rồi không ai nhịn ai, họ lao vào đấm đá nhau túi bụi, người thì bị gãy răng, kẻ bị dập mũi, lòi mắt… máu me lai láng trông rất thảm hại. Trong khi đó, nhà vua và đám cận thần ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Năm người mù tiếp cận con voi từ năm khía cạnh khác nhau nên có năm nhận xét (năm quan điểm) khác nhau. Con người xưa nay cũng thường tiếp cận thực tại dưới nhiều góc độ khác nhau nên cũng có những quan điểm khác nhau như vậy.
Tôn trọng quan điểm người khác
Vì thế, đừng vội cho rằng quan điểm của mình thì đúng còn quan điểm của bạn thì sai.
Phê bình, công kích người khác khi họ có một hướng nhìn, một ý kiến, một quan điểm khác với hướng nhìn, ý kiến, quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu khôn ngoan, sáng suốt.
Tốt hơn, sau khi đã xem xét một sự việc, một vấn đề dưới góc độ này, theo quan điểm này, chúng ta hãy đứng vào những vị trí khác, những quan điểm khác để nhìn sự việc theo những chiều hướng khác.
Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và tránh được xung khắc, bất hoà vì bất đồng quan điểm.
Lạy Chúa Giê-su,
Mặc dù dân làng Sa-ma-ri không cho Chúa băng qua thôn làng của họ để tiến về Giê-ru-sa-lem, Chúa vẫn không ghét bỏ hay phản đối họ, và Chúa đã tôn trọng quan điểm của họ nên vui lòng tránh qua đường khác mà đi.
Xin cho chúng con đừng có thái độ bất khoan dung với những người không cùng quan điểm với mình, nhưng biết tôn trọng quan điểm của người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để xem xét sự việc theo góc nhìn của họ, nhờ đó chúng con sẽ tránh được bất hòa bất thuận gây ra chia rẽ, phân ly.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin mừng Luca (Lc 9, 51-62)
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? "55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo."58 Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
59 Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã."60 Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
61 Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."62 Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."