Có những tường lũy tuy vô hình nhưng rất nguy hại; đó là lòng hận thù, nghi kỵ, giận hờn, ghen tỵ, tranh chấp, kiêu căng, ích kỷ...
Triệt phá thành lũy vô hình
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (1, 1-8) trích đọc vào Chúa Nhật 2 mùa vọng năm B)
Thành lũy vô hình
Có rất nhiều cản trở tự nhiên khiến con người không đến được với nhau, như ngăn cách vì sông sâu, biển rộng, đồi núi hiểm trở cheo leo hoặc có những cản trở khác do con người dựng nên như thành lũy kiên cố để ngăn chặn quân thù.
Ngoài những cản trở bên ngoài nói trên, còn có những cản trở bên trong, tuy vô hình nhưng rất nguy hại; đó là lòng hận thù, nghi kỵ, giận hờn, ghen tỵ, tranh chấp, kiêu căng, ích kỷ...
Đây là những thành luỹ vô hình, không có bề cao, bề rộng, bề sâu nhưng có khả năng ngăn cách con người rất hiệu quả. Có những gia đình ở kề bên nhau nhưng vì hận thù ghen ghét nên không hề lui tới với nhau; thậm chí có những anh em ruột thịt mà mấy chục năm trời không nhìn mặt nhau chỉ vì tranh chấp đố kỵ. Có khi vợ chồng cùng sống chung phòng nhưng tâm hồn hai người cách xa nhau vạn dặm.
Triệt phá bức tường Bá-linh
Hãy triệt phá thành lũy vô hình
Lời Chúa qua miệng ngôn sứ I-sai-a (trong bài đọc thứ nhất hôm nay) tha thiết mời gọi chúng ta hãy tháo gỡ những thành luỹ vô hình đó để giao hoà với nhau. "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi: Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng..."
Và trong Tin mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô nhắc lại: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng."
Dọn đường đón Chúa cách nào?
Dọn đường đón Chúa là tháo gỡ những rào cản đang được dựng lên trong lòng ta để người anh em có thể đến được với chúng ta cũng như chúng ta có thể giao hòa với người khác.
Tại sao phải dọn đường đón Chúa?
Cha mẹ trần gian rất đau lòng khi nhìn thấy con cái trong nhà xích mích, chia rẽ và ly tán.
Thiên Chúa là Cha nhân lành cũng vô cùng đau đớn khi con cái Ngài trên dương thế còn đang chia rẽ, xa lánh nhau.
Mỗi người chúng ta là một tế bào, là một chi thể trong Thân thể Chúa Ki-tô. Vì thế, khi để cho hận thù, nghị kỵ, ghen ghét… chia rẽ chúng ta là chúng ta đang chia cắt Thân thể Chúa.
Chúa Giê-su rất đau lòng vì Thân mình Ngài bị chia năm xẻ bảy nên Ngài tha thiết mời gọi con cái phải mau tháo gỡ những ngăn cách đó để giao hoà với nhau, để cho Thân mình Ngài được lành lặn. Vì thế, Ngài nghiêm khắc đòi buộc những chi thể phân cách hãy mau mau giao hoà. Ngài nói: "Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5, 23-24).
Dòng sông Bến Hải cắt đôi đất nước Việt Nam và biến đồng bào Việt Nam thành thù địch trong suốt 21 năm trời cuối cùng đã trở thành gạch nối liên kết hai miền bắc nam.
Bức tường Bá Linh chia cắt Đức quốc thành hai quốc gia thù nghịch suốt 28 năm cuối cùng cũng bị triệt hạ để cho dân tộc Đức được thống nhất và trở nên hùng cường.
Nhiều ngăn cách lớn lao giữa các quốc gia đã dần dần được tháo gỡ.
Vậy biết đến bao giờ những "bức tường" do chính chúng ta dựng lên ngăn cách chúng ta với nhau được tháo gỡ để Thiên Chúa có thể đến với chúng ta?
Lạy Chúa Giê-su,
Vì muốn cho tất cả chúng con chung sống trong tình yêu thương, hiệp nhất thắm thiết nên Chúa đã tha thiết cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha.”
Xin giúp chúng con triệt phá những bức tường thành ngăn cách chúng con với người khác, đó là oán ghét giận hờn, tranh chấp ghen tị… để chúng con luôn sống chan hòa trong tình hiệp nhất yêu thương.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin Mừng Mác cô 1, 1-8
Khởi đầu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."