Giá trị của một người tùy thuộc phẩm chất đạo đức của người ấy.
Trở nên người cao quý
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (9,30-37) trích đọc vào Chúa nhật 25 thường niên)
Hầu như trên đời này, ai ai cũng muốn được trở nên tốt lành, cao cả, đáng nể, đáng trọng.
Thời Chúa Giê-su, để thể hiện ước vọng này, các vị kinh sư và các người biệt phái “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi" (Mt 23, 5-7).
Còn các môn đệ Chúa Giê-su, như trích đoạn Tin mừng hôm nay cho biết, các vị thường tranh luận với nhau, không phải chỉ một lần, mà là nhiều lần, xem ai trong họ là người cao cả nhất, đáng nể, đáng trọng nhất. (Mc 9, 33-34; Lc 9, 46; Mt 18,1; Lc 22, 24).
Có lần, hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giê-su cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).
Khát vọng của con người là thế đó. Ai cũng muốn trở nên cao trọng hơn, ai cũng muốn làm gia tăng giá trị của mình.
Đây là một khao khát tự nhiên. Chính Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn con người khát vọng đó để thúc đẩy họ vươn lên thành những người cao cả. Chúa Giê-su cũng kêu gọi các môn đệ vươn tới đỉnh trọn lành: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48).
Làm thế nào để trở thành người cao cả thật sự?
Cách thứ nhất là làm đẹp: Người đời cố làm tăng giá trị của mình bằng cách trang điểm và chưng diện. Tuy nhiên, người ta không thật sự trở nên cao cả nhờ nhan sắc, vì "tốt gỗ hơn tốt nước sơn."
Cách thứ hai là sở hữu thật nhiều vàng bạc của cải, trở thành đại gia nghìn tỷ… Tuy nhiên, Giáo hội dạy ta biết rằng: "Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu."
Cách thứ ba là cố giành những địa vị cao trong xã hội để nâng giá trị mình lên. Tuy nhiên, nhiều người có quyền cao chức trọng nhưng lại bị nhiều người chê bai khinh dể.
Về phần Chúa Giê-su, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Ngài chỉ cho họ một cách để trở thành cao cả thực sự. Đó là "Ai muốn làm người đứng đầu, (ai muốn trở nên cao cả) thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35).
Thật là một lời dạy lạ đời, rất khó chấp nhận và không thuyết phục.
Tuy nhiên, sự kiện sau đây chứng tỏ lời dạy của Chúa Giê-su là xác đáng.
Ngay trong thời đại chúng ta, có một người phụ nữ đã thực hành lời dạy của Chúa Giê-su và đã trở thành người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới được mọi người nhìn nhận. Đó là mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta.
Mẹ thánh Tê-rê-xa không có sắc đẹp: Mẹ là phụ nữ già nua, chỉ cao chừng 1,5 mét, lưng còng, da nhăn nheo…
Mẹ không có vàng bạc của cải vì có bao nhiêu, mẹ phân phát hết cho người nghèo.
Mẹ không có địa vị trong xã hội, mẹ chỉ là nữ tu già nua ngày đêm cặm cụi chăm sóc các bệnh nhân.
Mẹ chỉ có một quan tâm là làm theo lời Chúa Giê-su dạy, trở nên người tôi tớ đêm ngày hầu hạ, phục dịch, chăm sóc, cứu chữa những người bất hạnh nhất, những người khốn khổ đau thương nhất thế gian.
Thế rồi cả thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ mẹ Tê-rê-xa.
Mẹ được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979, một giải thưởng lớn nhất thế giới nhằm tôn vinh những người mang lại phúc lợi nhất cho thế giới.
Và đặc biệt là vào ngày 5 tháng 9 năm 1997, cả thế giới xúc động, thương tiếc và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa khi hay tin Mẹ thánh Tê-rê-xa qua đời tại Calcutta, Ấn-độ, ở tuổi 87. Nhà Nước Ấn-độ, một quốc gia phần đông theo Ấn-độ-giáo, đã long trọng tổ chức quốc táng cho Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu công giáo khiêm tốn bình dị, người gốc An-ba-ni! Hơn triệu người dân Ấn-độ tuôn ra đường để tiễn đưa Mẹ Tê-rê-xa đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Tại sao Mẹ Tê-rê-xa lại được vinh dự lớn lao như thế?
Vì Mẹ đã thực hành đến mức hoàn hảo điều mà Chúa Giê-su truyền dạy cho các môn đệ trong Tin mừng hôm nay. Đó là hạ mình làm tôi tớ hầu hạ phục dịch những con người khốn khổ nhất thế gian với lòng yêu thương vô hạn.
Cuộc đời của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng giáo huấn của Chúa Giê-su là xác đáng: “Ai muốn làm người đứng đầu, (muốn trở nên người cao cả) thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con tỉnh táo nhận ra rằng giá trị con người không tuỳ thuộc vào những thứ “phụ tùng” mà người ta khoác vào thân như các loại y phục hợp thời trang hay các đồ trang sức xa hoa, đắt giá; giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào của cải, bạc vàng châu báu hay địa vị công danh… nhưng cốt yếu là tuỳ vào đức hạnh, vào phẩm chất cao đẹp của mỗi người.
Xin dạy chúng con biết làm gia tăng giá trị bản thân bằng cách hiến thân hy sinh phục vụ mọi người như Chúa đã nêu gương.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN. Mác cô 9, 30-37
30 Hôm ấy, Đức Giê-su và các môn đệ từ trên núi xuống, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
Nghe file Audio
(Thể hiện: Lê Anh)