Tôn trọng quan điểm người khác

Phê bình, công kích người khác khi họ có quan điểm khác với quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu sáng suốt.
TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM NGƯỜI KHÁC
 
Bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có, vì người ta thường nói: chín người mười ý. Vậy mà trong thực tế, nhiều người không chịu chấp nhận thực tế nầy, bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện. Nhiều người tự cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng đúng, quan điểm của mình lúc nào cũng tốt nhất; có người còn tuyệt đối hoá quan điểm của mình và phủ nhận bất kỳ quan điểm nào khác.
Từ chỗ bất đồng quan điểm, người ta tìm đủ cách phỉ báng, lăng mạ hoặc loại trừ những cá nhân hay tổ chức không cùng quan điểm với mình.  
 
CÁI NHÌN PHIẾN DIỆN
     
Có một câu chuyện ngụ ngôn thời cổ được lưu truyền trong dân gian như sau:
Xưa kia có một ông vua đang lúc nhàn rỗi cho gọi bốn anh mù từ lúc mới sinh đến sân rồng rồi truyền đem vào một con voi lớn. Bốn anh mù nầy chưa hề biết voi là gì. Nhà vua ra lệnh cho họ đến sờ voi một lát rồi mô tả lại hình dáng con vật cho vua và triều thần nghe. Ai mô tả đúng sẽ được trọng thưởng.
Sau khi sờ voi xong, mỗi anh mù đưa ra một nhận xét khác nhau về con voi. Người sờ trúng chân voi thì cho rằng voi giống như cột đình. Người sờ vào bụng voi thì nói là voi giống như tảng đá lớn. Người sờ vào tai voi thì quả quyết như đinh đóng cột rằng voi giống như chiếc quạt lớn. Người sờ trúng vòi voi thì cho rằng voi không khác gì khúc rễ cây ngoằn ngoèo…
Ai cũng khăng khăng một mực rằng mình đúng, còn những người khác thì sai nên sinh ra cãi vã dữ dội. Thế rồi không ai nhịn ai, họ lao vào đấm đá nhau túi bụi… Trong khi đó, nhà vua và đám cận thần ôm bụng cười ngặt nghẽo.
 
Bốn người mù tiếp cận con voi từ bốn khía cạnh khác nhau nên có bốn ý kiến (quan điểm) khác nhau. Con người thường tiếp cận thực tại dưới nhiều góc độ khác nhau nên cũng có những quan điểm khác nhau như vậy.
 
Nhưng điều đáng tiếc là có lắm người, cũng giống như bốn anh mù trên đây, cho rằng quan điểm của mình, ý kiến của mình, lập trường của mình là tuyệt đối đúng và không chấp nhận những quan điểm khác, lại còn phê phán, loại trừ người có quan điểm khác. Thế là tấn kịch bi hài “sờ voi” vẫn tiếp diễn không ngừng.
Nơi một số người, căn bệnh “sờ voi” nầy hầu như trở thành mãn tính và bất trị. Một khi người ta có một ý kiến, một quan điểm nào đó rồi thì không ai có thể giúp họ nhìn theo quan điểm khác được.
 
ĐỪNG TUYỆT ĐỐI HOÁ QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH
Đừng bao giờ tuyệt đối hoá quan điểm của mình, tức cho rằng quan điểm của mình là duy nhất đúng; quan điểm của người khác đã xưa, đã lỗi thời, không thích hợp, không đúng. Không ai nắm gọn chân lý trong tay. Như bốn người mù sờ voi, mỗi người chỉ đúng về một khía cạnh, về một phương diện. Điều đáng trách là người ta cứ cho rằng mình đúng toàn diện, nên không thể chấp nhận người có quan điểm khác với mình.
         
CẦN TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC
Trong một tập thể, trong một cuộc thảo luận, thường có những quan điểm khác nhau. Đó là điều tất nhiên không tránh được (tuy vậy, đó lại là điều đáng mừng).
Hãy nhớ rằng chân lý thì đa diện trong khi tâm trí con người hạn hẹp. Muốn thẩm định đúng giá trị của một ngôi nhà, cần quan sát nó từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ sau ra trước, từ góc phải qua trái, từ ngoài vào trong. Nếu chỉ nhìn ngôi nhà từ một phía, từ một góc thì không thể đánh giá đúng giá trị ngôi nhà đó. Muốn luận tội một phạm nhân, quan toà phải nghe lý lẽ từ hai ba phía; không thể chỉ nghe một bên rồi kết tội bên kia được. Muốn biết rõ một sự thật nào đó, chúng ta cũng cần phải xem xét vấn đề dưới nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm khác nhau.
Vì thế, lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng quan điểm của người khác là điều tối cần để nhận ra đâu là sự thật.
 
YÊU THÍCH QUAN ĐIỂM KHÁC BIỆT
Nếu anh màu đỏ, tôi cũng là màu đỏ như anh, thì sự kết hợp giữa hai người cũng chỉ là màu đỏ, không có gì mới mẻ. Nếu anh màu đỏ nhưng tôi không đồng màu với anh mà là màu trắng, thì sự phối hợp giữa hai người sẽ phát sinh màu hồng, mới mẻ hơn, dịu dàng hơn.
Nếu anh là nốt nhạc mi, tôi cũng là nốt nhạc mi, người bạn thứ ba cũng là nốt mi, thì sự phối hợp giữa ba người khá buồn tẻ. Nhưng nếu anh là nốt mi, tôi là sol, người bạn thứ ba là đô, thì sự phối hợp giữa ba chúng ta sẽ tạo nên một hợp âm vui tươi, sống động.
Sự dung hòa quan điểm giữa cha mẹ con cái trong gia đình sẽ làm cho gia đình hạnh phúc hơn.
Sự phối hợp nhiều quan điểm khác nhau giữa các tổ chức, đoàn thể sẽ làm cho xã hội tiến bộ hơn.
 
ÁNH SÁNG SẼ LOÉ LÊN TỪ NHỮNG Ý TƯỞNG KHÁC BIỆT
“Du choc des idées, jaillit la lumière” (ngạn ngữ Pháp).
“Từ những ý kiến trái nghịch va chạm nhau, ánh sáng sẽ loé lên”. Hai cục đá va chạm mạnh vào nhau, lửa loé lên. Hai ý tưởng trái nghịch va chạm nhau, sẽ làm phát sinh sự thật, phát sinh ánh sáng.
Tôi đưa ra một ý kiến, anh đưa ra một ý kiến trái nghịch tôi, thế rồi cả hai ý kiến được dung hoà và nảy sinh ý kiến thứ ba tốt hơn cả hai ý kiến trước.
Một cuộc thảo luận không có những ý kiến trái nghịch là thảo luận một chiều, nghèo nàn, vô bổ và có thể đưa đến những kết luận sai lầm, tai hại. Một cuộc thảo luận đa chiều, bao gồm nhiều ý kiến trái nghịch sẽ đem lại một kết luận đúng đắn, một giải pháp tốt.
         
Tóm lại, khi nhìn một đối tượng nào, chúng ta thường chỉ đứng ở một vị trí, một góc độ nào đó để nhìn, nên chúng ta thường chỉ thấy được một mặt, một khía cạnh nào đó của đối tượng mà thôi. Vì thế, cái nhìn của chúng ta thường có tính cách phiến diện, một mặt, một chiều. Trong khi đó, đối tượng ta nhìn thì đa diện, muôn hình muôn vẻ.
Đứng trước một sự vật, mỗi người có một góc nhìn khác nhau, nên thấy được những mặt khác nhau. Đứng trước một vấn đề, mỗi người có một quan điểm khác nhau, nên có những nhận định khác nhau.
Vì thế, đừng vội cho rằng quan điểm của mình thì đúng còn quan điểm của bạn thì sai.
Phê bình, công kích người khác khi họ có một hướng nhìn, một quan điểm khác với hướng nhìn, quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu sáng suốt và thiếu óc khoa học.
Tốt hơn, sau khi đã quan sát một đối tượng, một vấn đề dưới góc độ này, dưới quan điểm này, chúng ta hãy đứng sang những vị trí khác, những quan điểm khác để nhìn đối tượng theo những góc nhìn khác.
Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều ý kiến trái ngược, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và nhất là khỏi phải xung khắc, bất hoà với nhau vì bất đồng quan điểm.
 
Inhaxiô Trần Ngà
 

Tác giả bài viết: Inhaxiô Trần Ngà